-
Báo cáo ESG
liên hệ
-
Tín chỉ Carbon (CER)
liên hệ
-
ĐÈN PHA NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI JINDIAN-JD8300L 300W
1.590.000 ₫
-
ĐÈN ĐƯỜNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI JINDIAN- JD369 100W
1.090.000 ₫
-
ĐÈN SÂN VƯỜN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI UFO250W
1.090.000 ₫
-
ĐÈN TRỤ CỔNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI 25X25
690.000 ₫
Tác động sâu rộng của Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (CSRD) tới các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam
Tác động sâu rộng của Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (CSRD)
tới các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam
Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp, gọi tắt là chỉ thị CSRD, được Liên minh Châu Âu (EU) ban hành vào tháng 12 năm 2022 và chính thức có hiệu lực cho các báo cáo phát hành từ năm tài chính 2024 (trừ một số ngành và các doanh nghiệp không đặt trụ sở tại EU sẽ cần tuân thủ từ năm 2026). Trong bài viết này, PwC tiến hành phân tích và đánh giá tác động của Chỉ thị CSRD đối với hai nhóm đối tượng chính tại thị trường Việt Nam là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu, từ đó đưa ra lộ trình đề xuất để doanh nghiệp triển khai các công tác chuẩn bị một cách kịp thời.
Bảng 1. Giới thiệu tổng quan về Chỉ thị CSRD
Tên đầy đủ |
Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp |
|
Tổ chức ban hành |
Liên minh châu Âu EU |
|
Mục đích |
Yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin PTBV đầy đủ và chặt chẽ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi cách vận hành theo hướng PTBV |
|
Số lượng doanh nghiệp cần báo cáo theo Chỉ thị CSRD |
Khoảng 50.000 công ty có hoạt động trong thị trường EU |
|
Tiêu chuẩn báo cáo theo Chỉ thị CSRD |
Tiêu chuẩn Báo cáo PTBV châu Âu (European Sustainability Reporting Standards – ESRS) |
|
Thời gian có hiệu lực |
Bắt đầu từ năm tài chính 2024 đối với các công ty niêm yết ở thị trường EU và có hơn 500 nhân sự (trừ 8 nhóm ngành và các công ty không đặt trụ sở tại EU*). Xem thông tin chi tiết dành cho các đối tượng còn lại tại đây. |
(*) Theo Hội đồng châu Âu, vào ngày 7/2/2024, Nghị viện châu Âu đã thông qua đề xuất gia hạn thời điểm tuân thủ CSRD thêm 2 năm (tức là đến tháng 6/2026) đối với các công ty không đặt trụ sở tại EU và 8 nhóm ngành bao gồm dầu khí, khoáng sản, vận tải đường bộ, thực phẩm, xe hơi, nông nghiệp, năng lượng, dệt may. Đây là 8 nhóm ngành có tiêu chuẩn báo cáo riêng (sector standard) trong ESRS và có tác động đáng kể tới môi trường.
Một số nhận định về Chỉ thị CSRD
Chỉ thị CSRD/ Tiêu chuẩn báo cáo ESRS nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính là bởi Chỉ thị CSRD mang tính bắt buộc thay vì tự nguyện như các tiêu chuẩn và khung hướng dẫn báo cáo PTBV hiện hành như Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Lực lượng Chuyên trách các Báo cáo Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD), Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB)… Quan trọng hơn, Chỉ thị CSRD sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ trong phạm vi châu Âu. Một trong những bước tiến lớn của Chỉ thị CSRD trong việc đẩy mạnh thực hành PTBV là thay vì chỉ tập trung vào dấu chân môi trường của bản thân doanh nghiệp, CSRD nhấn mạnh vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vốn là yếu tố chính góp phần tạo ra các tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội. Lấy ví dụ với ngành hàng tiêu dùng, trên 90% tác động về môi trường của ngành này thực tế nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp1. Chỉ thị CSRD vì vậy có ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều công ty thuộc chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp có hoạt động tại châu Âu. Bởi vì các công ty này sẽ cần cung cấp dữ liệu PTBV cho đối tác hoặc công ty mẹ tại châu Âu để đảm bảo việc tuân thủ với CSRD.
Chỉ thị CSRD đề cao tính minh bạch trong việc công bố thông tin PTBV. Cụ thể, Chỉ thị CSRD yêu cầu thực hiện đảm bảo số liệu báo cáo bởi bên thứ ba độc lập ở mức đảm bảo có giới hạn. Trong tương lai, Chỉ thị CSRD sẽ tiến đến yêu cầu thực hiện đảm bảo hợp lý, tương đương với mức độ đảm bảo cho báo cáo tài chính. Với tính phức tạp và đa chiều của các chủ đề liên quan đến PTBV, yêu cầu này giúp nâng cao tính chính xác, đầy đủ và khách quan trong thông tin được đưa vào báo cáo PTBV của doanh nghiệp, tránh tình trạng chỉ báo cáo những mặt tích cực (cherry-picking), bỏ sót thông tin hay nhấn mạnh quá mức.
Sự ra đời của Chỉ thị CSRD cũng đòi hỏi sự lưu tâm của bộ phận thuế trong doanh nghiệp. Với những yêu cầu báo cáo mới và khắt khe, Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS sẽ tạo áp lực để chính doanh nghiệp cũng như toàn bộ chuỗi giá trị thay đổi cách thức hoạt động, kéo theo các ảnh hưởng về thuế và pháp lý. Một số tình huống có thể kể đến bao gồm:
- Thay đổi nhà cung ứng từ nước ngoài sang nội địa (ví dụ nhằm giảm phát thải Phạm vi 3 và tăng tính hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu PTBV), dẫn tới cấu trúc thuế doanh nghiệp thay đổi.
- Điều chỉnh mô hình chuyển giá (transfer pricing) do nhu cầu đóng cửa các cơ sở hạ tầng thiếu tính bền vững hay tiến hành chuyển đổi trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
- Chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới dẫn đến các thay đổi về nghĩa vụ thuế doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự nhất quán giữa thông tin công bố trong báo cáo PTBV theo CSRD và báo cáo cho cơ quan thuế hay hải quan.
- Thực hiện báo cáo rủi ro về mặt tài chính từ tác động liên quan đến thuế các-bon cho mặt hàng xuất khẩu theo Cơ chế CBAM (xem chi tiết trong phần “Tác động của CSRD tại Việt Nam và đề xuất các bước chuẩn bị cho doanh nghiệp” phía dưới).
Một số yêu cầu lần đầu xuất hiện và lượng thông tin yêu cầu công bố chi tiết và khắt khe hơn so với các khung/ tiêu chuẩn công bố thông tin PTBV hiện hành. Bên dưới là tóm tắt các yêu cầu mới, bao gồm nhưng không hạn chế ở các nội dung sau:
Biến đổi khí hậu (cụ thể đối với đo lường phát thải khí nhà kính)
Ngoài Phát thải Phạm vi 1 và 2 là các nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động vận hành của doanh nghiệp, Chỉ thị CSRD cũng yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về Phát thải Phạm vi 3, tức là các nguồn phát thải KNK gián tiếp còn lại, phát sinh từ thượng nguồn (upstream) và hạ nguồn (downstream) trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Đây là phạm vi phát thải KNK khó quản lý nhất nhưng cũng chiếm tỉ trọng cao nhất (65-95%) trong tổng lượng phát thải KNK của doanh nghiệp2. Bên cạnh việc kiểm kê phát thải KNK, doanh nghiệp cũng cần báo cáo đầy đủ và chi tiết về các mục tiêu giảm phát thải, các rủi ro và cơ hội về khí hậu, cũng như các dự án giảm phát thải KNK sử dụng nguồn vốn từ việc giao dịch tín dụng carbon.
Sử dụng tài nguyên kinh tế tuần hoàn
Với mục tiêu tái chế và tái sử dụng tài nguyên, nền kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng là một trong những giải pháp thay thế cho nền kinh tế tuyến tính vốn hoạt động theo nguyên lý khai thác – sản xuất – vứt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường. Chỉ thị CSRD là luật định về báo cáo PTBV đầu tiên đưa việc sử dụng tài nguyên và hiệu quả thực hành kinh tế tuần hoàn vào danh mục báo cáo, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của EU trong việc thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi để phát triển bền vững hơn.
Bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái
Sự suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn bởi các tác động của biến đổi khí hậu. Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết tác động của hoạt động kinh doanh lên môi trường tự nhiên. So với Lực lượng Chuyên trách các Báo cáo Tài chính Liên quan đến Thiên nhiên (TNFD) vốn cũng là khung báo cáo yêu cầu công bố thông tin về đa dạng sinh học, Chỉ thị CSRD yêu cầu doanh nghiệp công bố lượng thông tin chi tiết hơn, bao gồm các chỉ số, chính sách và mục tiêu về đa dạng sinh học. Vào cuối tháng 1 năm 2024, GRI, một trong những tiêu chuẩn báo cáo PTBV phổ biến nhất trên thế giới, cũng đã công bố bản sửa đổi mới nhất với các yêu cầu và hướng dẫn báo cáo chi tiết hơn về đa dạng sinh học (GRI 101: Biodiversity 2024)3. Điều này cho thấy đa dạng sinh học đang dần trở thành xu thế quan tâm mới của các bên hữu quan và sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng khi doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin PTBV.
Các vấn đề xã hội và nhân quyền
Theo Tổ chức Anti-Slavery International và Liên hiệp châu Âu vì Công lý Doanh nghiệp, các doanh nghiệp châu Âu đã vướng phải nhiều vụ việc về điều kiện lao động không đảm bảo, phân biệt đối xử với người lao động, sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em trong các thập kỷ qua4. Vì vậy, EU đang nỗ lực trong việc đẩy mạnh các yêu cầu, luật định về nhân quyền trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Trong đó, Chỉ thị CSRD hiện là một trong các luật định nổi bật yêu cầu báo cáo về thực hành đảm bảo nhân quyền và mang tính bổ trợ cho dự thảo Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững trong Doanh nghiệp (Corporate Sustainability Due Diligence Directive – CSDDD), với nội dung yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thẩm định xuyên suốt chuỗi giá trị theo các quy trình chi tiết, bao gồm thẩm định về các vấn đề nhân quyền và môi trường.
Tác động của Chỉ thị CSRD tại Việt Nam và đề xuất các bước chuẩn bị cho doanh nghiệp
Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh mẽ ở Việt Nam vì trong bối cảnh hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều EU – Việt Nam ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư hơn 22 tỷ USD vào hơn 2.000 dự án FDI tại Việt Nam5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đồng thời xếp thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường này6. Với việc một lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu, sự ra đời của Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp này đẩy mạnh việc chuẩn bị số liệu và lập báo cáo PTBV để cung cấp cho công ty mẹ hoặc doanh nghiệp đối tác tại châu Âu khi có yêu cầu.
Trong phần này của bài viết, PwC sẽ tiến hành phân tích tác động của Chỉ thị CSRD đối với hai nhóm đối tượng chính tại thị trường Việt Nam là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu tại Việt Nam dựa theo các yêu cầu báo cáo được đề cập phía trên.
Doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam
Doanh nghiệp FDI có điểm mạnh là nguồn lực sẵn có cùng chiến lược PTBV đã được định hướng từ công ty mẹ. Các đối tượng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI vì thế cũng có sự đồng hành sát sao của một đối tác có hiểu biết về cả PTBV lẫn môi trường kinh doanh trong nước, qua đó có cơ hội được nâng cao năng lực trong quá trình hợp tác. Với việc công ty mẹ của doanh nghiệp FDI thường là các tập đoàn quy mô lớn, có nhiều khả năng phải bắt đầu báo cáo theo Chỉ thị CSRD từ năm tài chính 2024, doanh nghiệp FDI sẽ cần thu thập dữ liệu kịp thời theo thời hạn này**. Doanh nghiệp FDI cũng nên chủ động cập nhật với công ty mẹ về thời gian cần tuân thủ theo Chỉ thị CSRD để có kế hoạch triển khai phù hợp.
(**) Thông tin chi tiết về thời gian có hiệu lực của Chỉ thị CSRD vui lòng xem tại Bảng 1. Giới thiệu tổng quan về Chỉ thị CSRD
Theo quan điểm của PwC, dựa trên cơ sở các luật định và các khung hay tiêu chuẩn công bố thông tin PTBV hiện hành tại châu Âu và trên thế giới, doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam nên lưu ý ba yêu cầu báo cáo thuộc Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS dưới đây.
Sử dụng tài nguyên và kinh tế tuần hoàn
Với nguồn vốn và nền tảng kiến thức sẵn có phục vụ cho việc đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận và ứng dụng những quy trình sản xuất tiên tiến, các doanh nghiệp FDI từ châu Âu tại Việt Nam đang có hành động mạnh mẽ về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong mô hình sản xuất. Một số công ty FDI châu Âu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam như Heineken, Nestlé hay Tetra Pak đã triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn như tái chế bao bì, tái chế nước thải, sử dụng nhiệt năng có nguồn gốc tái tạo… cũng như công bố thông tin về các sáng kiến này trong báo cáo PTBV và website doanh nghiệp.
Theo Chỉ thị CSRD, nếu công ty mẹ của doanh nghiệp FDI xác định kinh tế tuần hoàn là một trong các chủ đề trọng yếu cần báo cáo, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ cần tiến hành thu thập dữ liệu báo cáo về thực hành kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là một thách thức cho doanh nghiệp bởi việc báo cáo về chủ đề này chưa được thực hiện rộng rãi, dẫn tới sự thiếu sẵn sàng của doanh nghiệp. Theo khảo sát của tổ chức World Benchmarking Alliance trên các doanh nghiệp tại châu Âu, hiện chỉ 22% doanh nghiệp có báo cáo định lượng về hiệu quả thực hành kinh tế tuần hoàn7.
Lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức và năng lực về thực hành kinh tế tuần hoàn cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh và củng cố chiến lược thực hành kinh tế tuần hoàn theo định hướng từ công ty mẹ. Với việc Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn (EU Action Plan for the Circular Economy – CEAP) đã được thông qua vào năm 2020, kinh tế tuần hoàn sẽ là xu hướng phát triển chính trong các doanh nghiệp châu Âu trong thời gian tới.
- Triển khai đo lường các chỉ số liên quan đến thực hành kinh tế tuần hoàn và báo cáo định tính và định lượng về thực hành kinh tế tuần hoàn, sử dụng các công cụ như Circular Transition Indicators (CTI).
- Yêu cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có chiến lược và lộ trình triển khai thực hành kinh tế tuần hoàn, ví dụ bằng phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm (Life Cycle Assessment – LCA). Tại Việt Nam, việc thực hành kinh tế tuần hoàn vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai. Số liệu mới nhất từ kết quả khảo sát năm 2022 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đối với 500 doanh nghiệp cho thấy, mức độ áp dụng kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn8. Một số khó khăn doanh nghiệp Việt Nam thường gặp trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn bao gồm các hạn chế về hành lang pháp lý, hệ thống kinh tế tuyến tính, hạ tầng & quy hoạch công nghiệp và các chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp.
- Tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm:
- Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”
- Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) – Luật Bảo vệ môi trường 2005 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
- Mục 3 (Tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn), Chương X, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP
- Điều 142 (Kinh tế tuần hoàn), Mục 2, Chương XI, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
- Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
Đa dạng sinh học và hệ sinh thái
Đa dạng sinh học là một trong những cam kết về bảo vệ môi trường trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), vì vậy các doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam có trách nhiệm triển khai các kế hoạch hành động nhằm bảo tồn hệ sinh thái và giảm áp lực về đa dạng sinh học. Một số doanh nghiệp FDI châu Âu Việt Nam bao gồm Heineken, Nestlé, Tetra Pak… đã triển khai và công bố thông tin về các sáng kiến bảo tồn hệ sinh thái như nông nghiệp tái sinh hay bảo tồn các hệ sinh thái nước.
Theo Chỉ thị CSRD, nếu công ty mẹ của các doanh nghiệp FDI xác định đa dạng sinh học là chủ đề trọng yếu, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cần tiến hành thu thập dữ liệu báo cáo và đặt ra các mục tiêu về các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Theo khảo sát “Tình hình báo cáo liên quan đến thiên nhiên của doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương” của Đại học Quốc gia Singapore, trong khi 68% doanh nghiệp công bố thông tin về các yếu tố tự nhiên và đa dạng sinh học, chỉ có 6% đưa ra các chỉ tiêu, cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động sản xuất, kinh doanh9. Do vậy, việc thu thập thông tin báo cáo chi tiết theo yêu cầu của CSRD sẽ đặt ra một bài toán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức và năng lực về đa dạng sinh học và bảo tồn hệ sinh thái cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.
- Đánh giá tác động của doanh nghiệp lên hệ sinh thái và củng cố chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên loại hình sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, tình hình thực hành tại Việt Nam cũng như định hướng từ công ty mẹ và các luật định tại châu Âu như Chiến lược Đa dạng sinh học của EU đến 2030 và Quy định chống phá rừng của EU.
- Có quy trình đo lường, thu thập số liệu và hệ thống quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo.
- Các vấn đề xã hội và nhân quyền
Về mặt thực hành, với nhận thức và kinh nghiệm từ nước sở tại của công ty mẹ, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ quyền con người, đồng thời tự nguyện xây dựng các tiêu chí về môi trường làm việc an toàn theo pháp luật của quốc gia mà tập đoàn mang quốc tịch10. Với sự ra đời của các luật định về nhân quyền tại châu Âu trong thời gian gần đây, doanh nghiệp FDI có khả năng phải thu thập dữ liệu báo cáo về đảm bảo nhân quyền (nhằm hỗ trợ công ty mẹ tuân thủ Chỉ thị CSRD) và tiến hành thẩm định chuỗi cung ứng về vấn đề nhân quyền (nhằm hỗ trợ công ty mẹ tuân thủ CSDDD trong tương lai).
Lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức và năng lực về đảm bảo nhân quyền cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.
- Đưa công tác thẩm định vào chính sách doanh nghiệp nhằm xác định, giảm thiểu và ngăn chặn các tác động tiêu cực đến quyền lợi của người lao động, không chỉ đối với các hoạt động của bản thân doanh nghiệp mà còn với các đối tác trong chuỗi giá trị.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để bảo đảm các quy định về nhân quyền, ví dụ bằng việc tập huấn, đào tạo về nhân quyền và xử lý rủi ro.
- Có quy trình đo lường, thu thập số liệu và hệ thống quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo. Doanh nghiệp nên lưu ý vấn đề này do các số liệu về xã hội, nhân quyền và người lao động nhìn chung tương đối khó đo lường và thu thập, ví dụ như chỉ số về cân bằng công việc và cuộc sống hoặc các chỉ số về nhân sự trong xuyên suốt chuỗi giá trị của doanh nghiệp (thượng nguồn và hạ nguồn).
- Doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam thuộc chuỗi giá trị trực tiếp của các doanh nghiệp châu Âu
Khác với nhóm doanh nghiệp FDI, nhóm doanh nghiệp này sẽ cần thực hiện nhiều công tác chuẩn bị hơn để đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp đối tác tại châu Âu nhằm tuân thủ theo Chỉ thị CSRD. Một trong những lý do chính là không có sự hướng dẫn trực tiếp từ các đối tác có hiểu biết về môi trường kinh doanh và việc thực hành PTBV tại Việt Nam. Với hạn chế này, doanh nghiệp nên trao đổi với các đối tác châu Âu về việc họ có cần tuân thủ CSRD hay không, và nếu có thì thời hạn phải tuân thủ là khi nào để có thể lên kế hoạch phối hợp một cách phù hợp. Tuy việc thu thập dữ liệu báo cáo trong nhóm doanh nghiệp này không cấp thiết như doanh nghiệp FDI, nội dung này vẫn nên được cân nhắc và đầu tư, đặc biệt nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu từ năm 2024 trở đi.
Theo quan điểm của PwC, dựa trên cơ sở yêu cầu báo cáo hiện hành tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt thuộc chuỗi giá trị của đối tác châu Âu nên lưu ý ba yêu cầu báo cáo thuộc Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS dưới đây.
Phát thải KNK
Dù đã nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp niêm yết) hiện chưa sẵn sàng cho việc kiểm kê và giảm phát thải KNK. Trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê ở Phạm vi phát thải 1 và 2, và chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phát thải Phạm vi phát thải 1, 2 và 311.
Trường hợp phát thải KNK thuộc Phạm vi phát thải 3 là vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp châu Âu cần tuân thủ Chỉ thị CSRD, các đối tác cung ứng tại Việt Nam sẽ phải tổng hợp dữ liệu phát thải và nỗ lực giảm phát thải KNK trong nội bộ doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đó. Ngoài Chỉ thị báo cáo CSRD, châu Âu cũng đã triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (The EU’s Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM) nhằm đánh thuế các-bon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Hai luật định này sẽ khiến việc kiểm kê và giảm phát thải KNK trở thành điều kiện tất yếu để gia nhập thị trường EU.
Lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý, kiểm kê và giảm thiểu phát thải KNK cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.
- Thiết lập các chính sách và quy trình khử các-bon, triển khai thực hiện các phương pháp sản xuất có phát thải các-bon thấp để giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất, tập trung vào năng lượng và giao thông vận tải do đây là hai lĩnh vực gây phát thải KNK nhiều nhất tại Việt Nam12.
- Đặt các mục tiêu giảm phát thải phù hợp với khoa học khí hậu (tức là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5°C), ví dụ như mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi).
- Nghiên cứu các yêu cầu về báo cáo phát thải KNK, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống kiểm kê lượng phát thải và quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo. Lưu ý các nội dung báo cáo về thuế các-bon trong báo cáo CSRD cần khớp với các nội dung trong báo cáo CBAM.
- Tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ôzôn.
- Đa dạng sinh học và hệ sinh thái
Tuy Việt Nam đã có một số doanh nghiệp thực hành bảo tồn cũng như khôi phục đa dạng sinh học trong sản xuất kinh doanh, nhìn chung sự tham gia của doanh nghiệp còn tương đối hạn chế, chủ yếu theo hướng tự nguyện và theo sự huy động nguồn lực của các tổ chức vì môi trường thay vì việc doanh nghiệp chủ động đánh giá tác động và triển khai thực hiện. Trong khi đó, Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới đa dạng sinh học ở Việt Nam15. Ngoài ra, các luật định của Việt Nam hiện chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể và nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đánh giá tác động và giảm thiểu ảnh hưởng lên đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Theo yêu cầu của Chỉ thị CSRD, các doanh nghiệp hay nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ cần thực hiện đánh giá tác động của doanh nghiệp lên hệ sinh thái xung quanh khu vực hoạt động và sản xuất của họ, tiến hành thu thập các thông tin liên quan đến đa dạng sinh học để hỗ trợ việc đánh giá tính trọng yếu kép của doanh nghiệp đối tác tại Châu Âu, cũng như lập báo cáo về chủ đề này nếu đây được xác định là một trong các chủ đề trọng yếu của doanh nghiệp đối tác.
Lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức và năng lực về bảo tồn đa dạng sinh học cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.
- Đánh giá tác động của doanh nghiệp lên hệ sinh thái xung quanh khu vực hoạt động và sản xuất của doanh nghiệp và các rủi ro và cơ hội đi kèm.
- Có quy trình đo lường, thu thập số liệu và hệ thống quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo.
- Tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm:
- Luật Đa dạng sinh học 2008
- Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
- Các vấn đề xã hội và quyền con người
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền của người lao động, quyền của khách hàng và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền con người của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng về số lượng, tính nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Một số vi phạm nổi bật bao gồm tình trạng doanh nghiệp phân biệt đối xử, sử dụng lao động trẻ em, không bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, thời giờ nghỉ ngơi, mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, quyền hoạt động công đoàn của công nhân….16 Một số dữ liệu cụ thể bao gồm:
- Thu nhập bình quân tháng của lao động nam hiện cao gấp 1,35 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,3 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng)17.
- Tại Việt Nam, có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này18.
Với sự ra đời của Chỉ thị CSRD, các doanh nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam cần thu thập các thông tin liên quan đến việc đảm bảo nhân quyền trong sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ việc đánh giá tính trọng yếu kép của doanh nghiệp đối tác tại châu Âu, cũng như để doanh nghiệp đó lập báo cáo về chủ đề này nếu đây được xác định là một trong các chủ đề trọng yếu.
Lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức và năng lực về đảm bảo nhân quyền cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh việc đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động và môi trường sản xuất, kinh doanh.
- Siết chặt hệ thống kiểm soát nội bộ, thiết lập hệ thống quản lý rủi ro trong các quy trình kinh doanh và tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình.
- Thiết lập quan hệ đối tác và tham gia chương trình hỗ trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế như ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc)… về việc kiến tạo hoạt động doanh nghiệp thân thiện với người lao động.
- Có quy trình đo lường, thu thập số liệu và hệ thống quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo và thẩm định các vấn đề về nhân quyền.
- Tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm:
- Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 8 về Nghĩa vụ của doanh nghiệp)
- Luật Lao động 2019
Chỉ thị CSRD có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ các mắt xích trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp có hoạt động tại thị trường châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam có liên quan vì thế cần theo dõi sát sao và sớm nắm bắt các yêu cầu tuân thủ Chỉ thị CSRD để duy trì tính cạnh tranh và phát triển mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp tại châu Âu, cũng như có các kế hoạch thực hiện kịp thời. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực hành PTBV ngày càng chặt chẽ từ các thị trường lớn như EU.
Nguồn:
1 Starting at the source: Sustainability in supply chains | McKinsey (2016)
2 Tackling the Scope 3 challenge | PwC (2022)
3 Topic Standard Project for Biodiversity | GRI (2024)
5 Hai năm thực thi EVFTA: Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam | TTWTO VCCI (2023)
7 Nature Benchmark | World Benchmarking Alliance (2023)
9 Nature-related Reporting in Asia-Pacific Corporations: State of Readiness | Đại học Quốc gia Singapore (2022). Khảo sát được thực hiện trên 650 doanh nghiệp tại châu Á – Thái Bình Dương (tổng hợp từ danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất của 13 nền kinh tế trong khu vực). Thông tin được thu thập từ báo cáo PTBV của các doanh nghiệp này trong năm 2021 và 2022.
10 Doanh nghiệp và quyền con người: Một số vấn đề cơ bản | NXB Trí thức (2017)
11 Doanh nghiệp chưa sẵn sàng với kiểm kê phát thải khí nhà kính | Kinh tế Sài Gòn (2023)
13 Đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam | WWF Việt Nam (2021)
14 Doanh nghiệp và quyền con người: Một số vấn đề cơ bản | NXB Trí thức (2017)
16 Lao động trẻ em | UNICEF Việt Nam
https://www.pwc.com/vn/vn/insights-hub/perspective-blog/csrd-vietnam.html#:~:text=Ch%E1%BB%89%20th%E1%BB%8B%20B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20Ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng%20(PTBV)%20c%E1%BB%A7a,tu%C3%A2n%20th%E1%BB%A7%20t%E1%BB%AB%20n%C4%83m%202026).
Phuong Tran